CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG AN XUÂN TAM KỲ QUẢNG NAM
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG AN XUÂN TAM KỲ QUẢNG NAM
BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 28/2019
Thứ ba - 23/07/2019 14:41
BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 28/2019 Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 08/7 đến – 14/7/2019 Biên soạn, tổng hợp: Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ Website:http://tuphaptamky.gov.vn Facebook: tuphaptamky Fanpage: https://www.facebook.com/tuphaptamky.gov.vn/ I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
I. Văn bản Trung ương 1. Công trình đã tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì không xét tặng Giải thưởng Nhà nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ , có hiệu lực từ ngày 16/9/2019.
Cụ thể, sửa đổi quy định về nguyên tắc xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ theo đó mỗi công trình chỉ được đề nghị xét tặng một giải thưởng trong một đợt xét tặng giải thưởng. Đặc biệt, công trình đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước; Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. 2. Trước 15/4 hằng năm, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai khu vực Bắc Bộ
Ngày 08/7/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 09/2019/TT-BCT quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, có hiệu lực từ ngày 21/8/2019.
Theo đó, Thông tư quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện đối với đập có chiều cao từ 5m trở lên hoặc hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 50.000m3 trở lên và an toàn hạ du đập thủy điện. Hàng năm, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm rà soát, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai trước ngày 15/4 đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; trước ngày 15/8 hàng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại Nam Trung Bộ.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương nơi xây dựng đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương trước ngày 30/4 hàng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; trước ngày 30/8 hàng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại Nam Trung Bộ.
Thông tư này cũng quy định rằng, công trình thủy điện có nhiều hồ chứa hoặc một hồ chứa có nhiều đập thì cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa thủy điện được lập riêng cho từng đập, hồ chứa. 3. Số người giám định tư pháp đối với cổ vật tối thiểu là 03 người
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư 03/2019/TT-BVHTTDL về việc quy định quy trình giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật.
Theo đó, việc giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật được thực hiện bằng hình thức giám định tập thể, số lượng người giám định tư pháp tối thiểu là 03 người. Tổ chức giám định căn cứ vào hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định để lựa chọn giám định viên, người giám định theo vụ việc. Trong trường hợp cần thiết, người giám định tư pháp có thể tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác trước khi đưa ra đánh giá.
Các đối tượng giám định khi thực hiện các giám định niên đại và các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm một hoặc các nội dung sau: Hình dáng, kích thước, chất liệu, thành phần hóa học, màu sắc và văn hóa trang trí, văn tự trên hiện vật; Các dấu hiệu khác có liên quan. Trong trường hợp đối tượng giám định không thể di chuyển hoặc khó di chuyển thì việc giám định được tiến hành tại chỗ và phải được lập thành biên bản lưu trong hồ sơ giám định.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/9/2019. 4. Doanh nghiệp phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc triệu hồi ô tô lỗi
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 25/2019/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô, có hiệu lực từ ngày 25/8/2019.
Theo đó, doanh nghiệp phải triệu hồi các sản phẩm có khuyết tật do mình sản xuất khi sản phẩm vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó hoặc sản phẩm dù chưa gây tổn thất về người và tài sản nhưng qua quá trình sử dụng có thể gây nguy hiểm trong một số điều kiện nhất định. Đối với sản phẩm có lỗi không thuộc diện triệu hồi nêu trên thì cơ sở sản xuất chủ động thực hiện khắc phục lỗi của sản phẩm.
Trường hợp phát hiện các sản phẩm đã cung cấp ra thị trường có khuyết tật thuộc diện triệu hồi, doanh nghiệp cần chủ động tạm dừng sản xuất đối với các sản phẩm thuộc kiểu loại sản phẩm có khuyết tật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần công bố công khai kế hoạch triệu hồi trên phương tiện thông tin đại chúng và chịu mọi chi phí liên quan đến việc triệu hồi sản phẩm.
Thông tư này cũng quy định rằng, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện sản phẩm có khuyết tật, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu tạm dừng việc cung cấp sản phẩm khuyết tật ra thị trường. Sau thời gian không quá 30 ngày kể từ khi kết thúc triệu hồi, doanh nghiệp phải báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện triệu hồi tới Cơ quan Quản lý chất lượng. 5. Năm 2019, giảm 58 bảo hiểm xã hội thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh
Ngày 10/7/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 856/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", theo đó: Năm 2019, tại Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh: Thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức thuộc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và bảo hiểm xã hội thành phố, thị xã thuộc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cụ thể:
+ Giảm 65 đầu mối cấp phòng của 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
+ Giảm 58 bảo hiểm xã hội thành phố, thị xã trực thuộc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đóng trên địa bàn. 6. Nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Ngày 11/7/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021".
Theo đó, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021 gồm:
- Thực trạng, nguyên nhân, điều kiện tham nhũng và giải pháp phòng, chống tham nhũng.
- Ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và phòng, chống tham nhũng.
- Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng.
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trọng tâm là các vấn đề mới về: hành vi tham nhũng,; phòng chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
- Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng trong lịch sử Việt Nam.
- Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống tham nhũng; hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng; kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
- Tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
- Mô hình, kinh nghiệm, gương tiêu biểu về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính.
- Các sự kiện, vấn đề chính trị - pháp lý - kinh tế - văn hóa - xã hội có chủ đề, nội dung về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính. 7. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam
Ngày 10/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cảnh sát biển Việt Nam, có hiệu lực 28/8/2019, theo đó chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam như sau
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được hưởng lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chế độ trợ cấp; được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp phục vụ quốc phòng an ninh, phụ cấp công tác lâu năm ở trên tàu, biển, đảo, phụ cấp ngày đi biển, phụ cấp đặc thù đi biển phù hợp với khu vực địa bàn vùng biển, đảo công tác, yêu cầu nhiệm vụ và chế độ, chính sách khác như cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức có cùng điều kiện, môi trường làm việc, khu vực địa bàn, biển đảo công tác theo quy định của pháp luật. 8. Một số nhiệm vụ của cơ quan thường trực công tác quốc phòng cấp huyện
Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư 99/2019/TT-BQP hướng dẫn thi hành Nghị định 168/2018/NĐ-CP về công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương, có hiệu lực 20/8/2019, theo đó một số nhiệm vụ của cơ quan thường trực công tác quốc phòng cấp huyện như sau:
- Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh , diễn tập theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền; chỉ đạo cấp xã diễn tập chiến đấu phòng thủ và phòng thủ dân sự.
- Chỉ đạo xây dựng và hoạt động của cơ quan quân sự địa phương cấp huyện, cấp xã; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên.
- Thực hiện tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; tuyển sinh quân sự, tuyển sinh đào tạo cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; tiếp nhận, tạo điều kiện, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo động viên quốc phòng theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền giao.