Đô thị Tam Kỳ có quy mô dân số nhỏ.Ảnh: XUÂN PHÚ |
Đạt 41/49 chỉ tiêu
TP.Tam Kỳ đang gấp rút với các hoạt động ở chặng nước rút thực hiện “Chương trình phát triển đô thị Tam Kỳ giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020”, đặc biệt là hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II vào cuối năm nay. Theo báo cáo của UBND TP.Tam Kỳ, đến nay, thành phố đã đạt 41 trong tổng số 49 chỉ tiêu đô thị loại II theo quy định tại Thông tư 34 (30.9.2009) của Bộ Xây dựng và Nghị định 42 (7.5.2009) của Chính phủ về phân loại đô thị. Tính theo thang điểm, Tam Kỳ đạt 84,4 điểm so với quy định tối thiểu của đô thị loại II là 70 điểm. Với kết quả này, đô thị Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II. Đây là một nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Tam Kỳ.
“Thời gian tới TP.Tam Kỳ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và bộ, ngành Trung ương rà soát, kiểm tra lại các chỉ tiêu và tiến hành các thủ tục lập đề án đô thị loại II để trình các ngành chức năng phê duyệt trong năm 2016. Trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị, Tam Kỳ cần quan tâm đến xây dựng văn minh đô thị, cây xanh, công tác đền bù giải tỏa, tái định cư”. (Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu) |
Dù vậy, hiện đô thị Tam Kỳ vẫn còn 8 chỉ tiêu chưa đạt theo quy định của đô thị loại II, bao gồm quy mô dân số toàn đô thị, tỷ lệ tăng dân số hàng năm, mật độ dân số, thu nhập bình quân đầu người, khu đô thị mới, tuyến phố văn minh, mật độ đường trong khu vực nội thị, nhà tang lễ. Trong số các chỉ tiêu này, theo Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa, khó khăn lớn nhất của thành phố hiện nay là các chỉ tiêu về quy mô dân số, tỷ lệ tăng dân số, thu nhập bình quân đầu người và hạ tầng đô thị. “Quy mô dân số của Tam Kỳ khá nhỏ với 152.000 người trong khi quy định đô thị loại II tối thiểu là 300.000 người. Cạnh đó, thời gian qua dù nỗ lực vận động từ rất nhiều nguồn nhưng thành phố cũng không đủ nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng đô thị trong khi nhu cầu hiện nay khá lớn” - ông Lúa chia sẻ.
Để hoàn thiện các tiêu chí còn lại trong giai đoạn 2015-2016, TP.Tam Kỳ kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm đầu tư hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đảm bảo đạt các tiêu chí đô thị loại II (tổng nhu cầu vốn lên đến 1.715 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2015-2016 là 290 tỷ đồng). Về cơ chế, chính sách, Tam Kỳ kiến nghị tỉnh đề nghị Trung ương cho Khu công nghiệp Thuận Yên được hưởng cơ chế ưu đãi như Khu kinh tế mở Chu Lai; quan tâm hỗ trợ thành phố phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, vay ưu đãi từ quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để phục vụ thực hiện các dự án trọng điểm, dự án động lực của thành phố.
Điểm nghẽn dân số
Trong quá trình xây dựng để đạt các tiêu chí đô thị loại II, một trong những khó khăn lớn nhất và hiện tại đang là “điểm nghẽn” đối với đô thị Tam Kỳ là quy mô dân số không đáp ứng yêu cầu. Phát triển lên thành phố từ thị xã cách đây 10 năm, tuy nhiên, Tam Kỳ chưa đủ hấp lực đối với người dân nhập cư do quy mô nền kinh tế còn khá nhỏ, điều kiện sinh hoạt hạn chế, công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển mạnh. Trong nhiều năm qua, dân số của đô thị tỉnh lỵ này chủ yếu gia tăng tự nhiên nên tỷ lệ tăng khá thấp với 0,7% (khoảng 1.000 người). Vì vậy, quy mô dân số toàn đô thị hiện nay mới chỉ là 152.000 người (bao gồm cả số người tạm trú quy đổi), thấp khá xa so với quy định tối thiểu là 300.000 người của đô thị loại II. Đây thật sự là bài toán nan giải đối với TP.Tam Kỳ trong việc thực hiện chỉ tiêu về quy mô dân số của đô thị loại II.
Giải quyết bài toán này ra sao? Theo ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Nam, trước tình hình thực tế này đặt ra 2 hướng để giải quyết. Một, là phải chứng minh tính đặc thù của đô thị Tam Kỳ để từ đó không cần thiết phải đáp ứng tối thiểu quy mô dân số 300.000 người như quy định tại Thông tư 34 của Bộ Xây dựng. Hai, có thể tính toán đến giải pháp điều chỉnh địa giới hành chính. Tuy nhiên, điều này sẽ lại mâu thuẫn vì kéo thêm vùng nông thôn vào đô thị Tam Kỳ sẽ dẫn đến việc hạ thấp thu nhập bình quân đầu người xuống.
Tại buổi làm việc với TP.Tam Kỳ mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng một số tiêu chí theo quy định tỏ ra khá xa thực tế hiện nay. Với điều kiện đặc thù, hơn nữa trong quy hoạch chung hướng đến đô thị xanh nên TP.Tam Kỳ không nhất thiết phải có quy mô dân số lớn. Vả lại, điều kiện sinh hoạt, cuộc sống văn hóa tinh thần, chất lượng cuộc sống của người dân đô thị mới quan trọng. Ngay cả quy định số nhà tang lễ cũng không phù hợp với thực tế. TP.Tam Kỳ hiện đã có 1 nhà tang lễ và chừng đó là đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Do đó, trong quá trình lập đề án phân loại đô thị loại II, TP.Tam Kỳ và các ngành chức năng của tỉnh cần làm việc với Bộ Xây dựng để rà soát lại các chỉ tiêu, hướng dẫn quy trình để công nhận đô thị loại II vào năm 2016.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, Nghị định 42 ra đời từ năm 2009 nên một số chỉ tiêu đã trở nên lạc hậu so với hiện nay. TP.Tam Kỳ cần nhìn thẳng vào sự thật chúng ta đang ở đâu và sắp tới phải làm gì. Xây dựng đô thị cần đi vào thực chất chất lượng. Một trong những giải pháp để tăng dân số là cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp để thu hút công nhân từ các nơi khác đến làm việc, sinh sống, tạo điều kiện cho dịch vụ phát triển.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn