CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG AN XUÂN TAM KỲ QUẢNG NAM

https://anxuan.tamky.quangnam.gov.vn:443


BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 36/2019

BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 36/2019
BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 36/2019
Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 03/9 đến – 08/9/2019
Biên soạn, tổng hợp: Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ
Website: http://tuphaptamky.gov.vn
Facebook: tuphaptamky
Fanpage: https://www.facebook.com/tuphaptamky.gov.vn/
I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
1. Tổ chức không có phương tiện ứng cứu sự cố hóa chất bị phạt đến 50 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50 triệu đồng, lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100 triệu đồng. Các mức phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm do cá nhân thực hiện trong một số trường hợp như sau:
Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với cá nhân không có trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố hóa chất phù hợp với các đặc tính nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm theo kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt.
Đặc biệt, phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa là tiền chất công nghiệp vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có hành vi xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp nhưng không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đã hết thời hạn.
2. Số lượng người giám định tư pháp sản phẩm văn hóa tối thiểu là 03
Ngày 03/9/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 08/2019/TT-BVHTTDL về việc quy định quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa,   có hiệu lực từ ngày 15/11/2019.
Theo đó, tổ chức giám định tư pháp tiến hành giám định theo hình thức giám định tập thể, số lượng người giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa tối thiểu là 03 người. Khi tiến hành giám định, người giám định tư pháp có thể tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác (nếu cần) trước khi đưa ra đánh giá.
Việc giám định sản phẩm văn hóa được thực hiện như sau: Người giám định xem xét tổng thể nội dung sản phẩm văn hóa, các nét đặc điểm về hình dáng, kích thước, màu sắc, trang trí và các đặc điểm khác liên quan; Tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu trữ nếu đối tượng không thể di chuyển hoặc khó di chuyển; Người giám định tư pháp phải ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định…
3. Tốc độ tối đa của xe máy chuyên dùng trên đường bộ là 40km/h
  Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ,   có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Theo đó, tốc độ tối đa của xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là 40km/h. Tốc độ tối đa của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc là 120km/h.
4. Quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Nghị định này quy định quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sau: Dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước; các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
5. Nguyên tắc bố trí, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tư vấn cho Donah nghiệp vừa và nhỏ
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư  54/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên có hiệu lực từ 10/10/2019.
Theo đó,  Nguyên tắc bố trí như sau:
-  Ngân sách Trung ương: bố trí kinh phí hỗ trợ tư vấn cho DNNVV trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các đơn vị hỗ trợ DNNVV thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ.
-  Ngân sách địa phương: bố trí kinh phí hỗ trợ tư vấn cho DNNVV trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các đơn vị hỗ trợ DNNVV thuộc UBND cấp tỉnh.
 Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tư vấn cho DNNVV phải được lập dự toán, quản lý và sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng định mức và quy định tại Thông tư này.
 Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tư vấn cho DNNVV thông qua đơn vị hỗ trợ DNNVV. Đơn vị hỗ trợ DNNVV không được sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tư vấn cho DNNVV để chi hoạt động bộ máy, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chi khác ngoài chi hỗ trợ tư vấn cho DNNVV.
Đơn vị hỗ trợ DNNVV chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng kinh phí đúng quy định; tính trung thực, chính xác, đầy đủ pháp lý của hồ sơ, chứng từ liên quan đến sử dụng kinh phí; hạch toán, quyết toán và lưu trữ hồ sơ theo đúng chế độ quy định.