CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG AN XUÂN TAM KỲ QUẢNG NAM

https://anxuan.tamky.quangnam.gov.vn:443


Tam Kỳ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính

Năm 2015, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước của thành phố Tam Kỳ được tỉnh đánh giá xếp vị thứ 1/18 huyện, thị, thành phố. Trong đó, nổi bật là hoạt động của phần mềm “1 cửa điện tử”, cho phép tổ chức và công dân đăng ký thông tin, tra cứu tình trạng hồ sơ qua hệ thống internet tại nhà, báo hẹn trả hồ sơ qua tin nhắn
hdnd lv ax

Năm 2015, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước của thành phố Tam Kỳ được tỉnh đánh giá xếp vị thứ 1/18 huyện, thị, thành phố. Trong đó, nổi bật là hoạt động của phần mềm “1 cửa điện tử”, cho phép tổ chức và công dân đăng ký thông tin, tra cứu tình trạng hồ sơ qua hệ thống internet tại nhà, báo hẹn trả hồ sơ qua tin nhắn...

Công dân đánh giá cao cơ chế “một cửa điện tử” áp dụng tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố Tam Kỳ.

Công dân đánh giá cao cơ chế “một cửa điện tử” áp dụng tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố Tam Kỳ.


Mới đây, anh Đỗ Văn Dũng, ở phường An Phú đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại phòng một cửa của thành phố Tam Kỳ để làm hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do đo đạc lại) và tách thửa. Theo quy trình cũ, anh phải đợi 44 ngày để cơ quan chức năng thẩm định, giải quyết hồ sơ. Nếu có sai sót, phải đi lại thêm nhiều lần để bổ sung. Nhưng theo cơ chế một cửa điện tử hiện nay, kết quả giải quyết hồ sơ sẽ tự động báo về bằng tin nhắn qua số điện thoại anh đã đăng ký, chỉ sau 25 ngày. Anh Đỗ Văn Dũng cho biết: Tôi nộp hồ sơ lần đầu vào ngày 18.3 để làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ, đến ngày 28.3 tôi lên nhận kết quả, sau đó tiếp tục làm hồ sơ tách thửa với thời gian hẹn là 15 ngày. Nhờ có tin nhắn báo hẹn nên tôi không phải đi lại nhiều lần, ở nhà vẫn có thể tra cứu tình trạng hồ sơ qua website www.motcua.tamky.gov.vn. Việc ứng dụng CNTT cộng với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ một cửa khiến tôi rất hài lòng”.     
Cơ chế “một cửa điện tử” được thành phố Tam Kỳ triển khai từ năm 2012 và tiếp tục cải tiến đến cuối năm 2014 thì hoàn thiện, hiện áp dụng trên các lĩnh vực đất đai, tư pháp, LĐTB-XH, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng... được tổ chức, công dân đánh giá rất cao. Theo thống kê, năm 2012, cấp thành phố có 349 hồ sơ trễ hẹn/21.931 hồ sơ tiếp nhận thì đến năm 2015, chỉ còn 61 hồ sơ trễ hẹn/21.067 hồ sơ tiếp nhận. Cơ chế này còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của công dân, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công việc của cơ quan nhà nước. Ông Phạm Thế Mẫn - Phó chánh văn phòng HĐND – UBND thành phố Tam Kỳ cho biết thêm: “Cơ chế một cửa điện tử còn tích hợp chức năng cấp mã số thuế điện tử, do đó việc thực hiện nghĩa vụ thuế của tổ chức, công dân cũng rất thuận tiện. Năm 2015, thành phố Tam Kỳ đã đầu tư gần 200 triệu đồng để mua sắm, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và phần mềm phục vụ cho việc giao tiếp, giải quyết hồ sơ của công dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế “một cửa điện tử” trên lĩnh vực cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu và triển khai thí điểm, nhân rộng cơ chế này ở các xã phường, hướng đến việc đồng bộ hóa dữ liệu hồ sơ trên toàn địa bàn”.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy qua phần mềm quản lý văn bản và trao đổi nội bộ Q-Office của TP Tam Kỳ đạt trên 85%. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã sử dụng rộng rãi, hiệu quả các phần mềm quản lý như: Phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, phần mềm cung lao động, phổ cập giáo dục, quản lý hộ nghèo, phần mềm quản lý hộ tịch… trong đó đi đầu là phường Hòa Hương với phần mềm quản lý nhân hộ khẩu và nguồn nhân lực. Ông Lê Hồng Tuyến – Chủ tịch UBND phường Hòa Hương cho biết: “Cùng với việc thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa điện tử”, phường Hòa Hương đã chủ động xây dựng phần mềm quản lý nhân hộ khẩu và nguồn nhân lực, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, phục vụ hiệu quả cho việc phân tích, lưu trữ thông tin và quản lý, nhân hộ khẩu trên địa bàn.”   
Với chủ trương ứng dụng CNTT rộng rãi trong cải cách hành chính, thành phố Tam Kỳ đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng mô hình Chính quyền điện tử. Trên 80% các văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi trên môi trường mạng và có ứng dụng chữ ký số, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30% đến 40%. Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt mức trên 90%.